20/10 từ lâu đã trở thành ngày đặc biệt đối với phụ nữ Việt Nam nhưng không phải ai cũng biết nguồn gốc và ý nghĩa của ngày này.
Nguồn gốc ngày Phụ nữ Việt Nam
Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước Việt Nam, người phụ nữ luôn có vai trò to lớn. Việt Nam là nền văn minh nông nghiệp, dựa trên nền tảng nghề trồng lúa nước và thủ công nghiệp nên phụ nữ là lực lượng lao động quan trọng. Lich sử chống giặc ngoại xâm của Việt Nam cũng luôn có đóng góp to lớn của phụ nữ.
Phụ nữ là những chiến sỹ chống ngoại xâm kiên cường dũng cảm, là hậu phương vững chắc, người lao động cần cù, sáng tạo, thông minh, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn, phát triển bản sắc, tinh hoa văn hoá dân tộc. Họ còn là những người mẹ dịu hiền, đảm đang, trung hậu đã sản sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc anh hùng.
Tuy nhiên, chỉ đến cách đây 93 năm, Việt Nam mới có một tổ chức riêng dành cho phụ nữ được hoạt động hợp pháp và công khai.
Cụ thể, từ năm 1927, các tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo tầng lớp phụ nữ như Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức riêng của nữ giới. Năm 1930, trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, có gần 13.000 chị em tham gia phụ nữ giải phóng, cùng nhân dân đấu tranh thành lập chính quyền xô viết ở trên 300 xã.
Ngày 1/5/1930, bà Nguyễn Thị Thập tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh của hơn 4.000 nông dân ở hai huyện Châu Thành, Mỹ Tho, trong đó có hàng ngàn phụ nữ tham gia.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng ngay từ khi ra đời đã chỉ rõ “nam nữ bình quyền”. Đảng sớm ghi nhận vai trò to lớn của phụ nữ trong cuộc sống cũng như trong cuộc đấu tranh lâu dài của dân tộc. Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng và thành lập tổ chức riêng để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.
Chính vì vậy, ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ Phản đế Việt Nam (nay là Hội Phụ nữ Việt Nam) được thành lập. Sự kiện lịch sử này thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng đối với vai trò của phụ nữ trong cách mạng, đối với tổ chức phụ nữ và sự nghiệp giải phóng phụ nữ.
Đó là lý do ngày 20/10 hàng năm trở thành ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam. Đó là sự ghi nhận của đất nước, của xã hội đối với những con người được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng: “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”.
Các hoạt động Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10
Vào Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, nhiều cơ quan, đoàn thể, địa phương tổ chức các hoạt động để chào mừng:
– Tặng hoa và quà cho phụ nữ: Khi tới ngày này, nam giới thường tặng hoa và quà cho mẹ, vợ hoặc những người phụ nữ quan trọng đối với mình để thể hiện lòng biết ơn, tôn trọng và tình yêu thương vô bờ bến.
– Tổ chức các sự kiện và lễ kỷ niệm: Các tổ chức, trường học, công ty thường tổ chức liên hoan chào mừng, cuộc thi cắm hoa, thi áo dài, hội thảo hoặc lễ kỷ niệm để tôn vinh phụ nữ, thảo luận về các vấn đề liên quan đến phụ nữ và gia đình trong xã hội hiện nay.
– Tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật: Nhiều nơi tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ, triển lãm hội họa hoặc buổi hòa nhạc dành riêng cho phụ nữ trong dịp lễ này.
– Tổ chức chương trình từ thiện: Nhiều địa phương có các hoạt động từ thiện như quyên góp cho các tổ chức hỗ trợ phụ nữ và trẻ em đang gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Không chỉ vậy, ngày 20/10 cũng là dịp để cả gia đình sum họp và cùng nhau ăn bữa tối đầm ấm, gửi lời chúc yêu thương đến những người phụ nữ trong gia đình.